5 cách kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2 không cần dùng thuốc
Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường tuýp 2 chính là một trong những cách giúp bệnh nhân tiểu đường có thể “quản lý” được căn bệnh của mình. Trong số đó, 5 cách kiểm soát bệnh tiểu đường dưới đây được đánh giá là đơn giản, dễ thực hiện nhưng kết quả mang lại vô cùng mĩ mãn. Vậy đó là 5 cách nào, hãy cùng KAT VIỆT NAM tham khảo chi tiết qua bài viết bên dưới nhé!
1. Quản lý cân nặng
Ở người thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể làm giảm lượng đường trong máu. Hai cách để kiểm soát cân nặng là ăn uống lành mạnh, cân bằng và tập thể dục thường xuyên. Chìa khóa để giảm cân là tiêu thụ ít calo hơn cơ thể sử dụng cho các hoạt động và quá trình sinh lý.
2. Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh gồm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng với khẩu phần thích hợp, tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm không lành mạnh có thể giảm lượng đường trong máu.
Thực phẩm người bệnh nên ăn gồm ngũ cốc nguyên hạt (bột yến mạch, gạo lứt, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt), hoa quả và rau, cá nhiều axit béo omega-3 (cá hồi, cá ngừ, cá thu…), thịt nạc (thịt heo thăn, thịt gà trắng), các loại hạt và đậu không thêm muối và đường, sản phẩm sữa ít béo. Khi chế biến, bạn nên hạn chế muối và đường, thay vì chiên xào nên hấp hoặc luộc.
Thực phẩm mọi người cần hạn chế như thức ăn và đồ uống có đường (kẹo, bánh ngọt, mật ong, nước ngọt, nước ép trái cây đóng hộp…), thịt chế biến sẵn và thịt béo (thịt xông khói, xúc xích, thịt bò và thịt heo nhiều mỡ…). Người tiểu đường cũng cần tránh thức ăn mặn, thực phẩm hydro hóa một phần và chất béo chuyển hóa như bơ động vật, bỏng ngô, pizza, thức ăn nhiều dầu mỡ (đồ chiên rán, món xào nhiều dầu…).
3. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thúc đẩy quản lý đường huyết ổn định và đốt cháy calo, góp phần giảm cân. Hoạt động thể chất cũng làm tăng độ nhạy insulin, giúp đường huyết đi vào tế bào từ máu. Mọi người nên cố gắng dành 30 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi ngày, tổng cộng ít nhất 150 phút mỗi tuần. Người bệnh có thể đi bộ nhanh, đạp xe… (bài tập thể dục vừa phải). Ngoài ra, bạn cần dành 75 phút mỗi tuần cho hoạt động mạnh như tập aerobic, chơi một môn thể thao (cầu lông, tennis…).
4. Ngừng hút thuốc
Ngừng hút thuốc giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Ở bệnh nhân tiểu đường, hút thuốc làm tăng khả năng phát triển các biến chứng như bệnh thận và tổn thương thần kinh. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 30-40% người không hút thuốc. Hút thuốc cũng làm tăng lượng đường trong máu tạm thời, gây thêm thách thức trong việc duy trì đường huyết khỏe mạnh ở người không mắc bệnh tiểu đường.
5. Quản lý căng thẳng
Dù căng thẳng không gây ra bệnh tiểu đường type 2 nhưng có thể làm bệnh thêm trầm trọng. Căng thẳng kích thích giải phóng các hormone cản trở quá trình điều chỉnh đường huyết của cơ thể. Tình trạng này còn gây khó khăn hơn khi tham gia vào các hoạt động kiểm soát lượng đường trong máu. Căng thẳng cũng có thể dẫn tới ăn quá nhiều và hút thuốc, cả hai đều tác động tiêu cực đến đường huyết.
Bệnh tiểu đường type 2 có thể làm giảm tuổi thọ lên đến 10 năm. Tác động của phương pháp điều trị lối sống đã được chứng minh có hiệu quả. Theo nghiên cứu của Đại học Glasgow (Anh), những người tiểu đường tham gia thử nghiệm với các phương pháp trên sau 12 tháng, phần lớn bệnh thuyên giảm và giảm lượng đường trong máu.
Sau khi bệnh nhân tiểu đường thực hiện 5 cách trên nhưng vẫn không thể nào duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh thì nên cân nhắc sử dụng đến thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc để đúng cách, an toàn, bệnh nhân tiểu đường cần thăm khám kỹ và nhận lời khuyên từ các Bác sĩ, tránh sử dụng thuốc một cách máy móc. Đặc biệt, bệnh nhân tiểu đường cần bỏ túi 5 lưu ý sau đây:
- Tránh ỷ lại thuốc
- Kiểm tra đường huyết thường xuyên
- Tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của Bác sĩ
- Uống thuốc đúng thời điểm
- Không nên tự ý mua thuốc điều trị tiểu đường không rõ nguồn gốc, xuất xứ.