Điều trị ca bệnh COVID-19 đặc biệt ở TP.HCM: Chuyện bây giờ mới kể!

Chống dịch COVID-19 đã và đang được cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ, quyết liệt. Và trong hơn 1 tháng căng mình chống dịch ấy, nhân viên y tế được xem là những chiến sĩ tuyến đầu.

Ở “chiến trường” của mình, các chiến sĩ khoác blouse trắng đã không ngại nguy hiểm, ngày đêm tìm mọi cách để đánh bại loại virus nguy hiểm nhằm cứu sống tính mạng của bệnh nhân.

Ca bệnh bất ngờ đến vào ngày giáp Tết

Đêm 29 tháng Chạp, tôi đang chuẩn bị rời TP.HCM về quê đón Tết thì điện thoại đổ chuông. Đầu dây bên kia, một đồng nghiệp cấp báo “vài phút nữa Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sẽ có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy”. Cuộc gọi ngắn gọn khiến hoang mang tột độ bởi mọi thứ nằm ngoài kế hoạch. Những phóng viên khác cũng nhận được cuộc gọi quay sang nhắn tin cho nhau với cùng thắc mắc: “Chuyện gì đang xảy ra”.

Đến Bệnh viện Chợ Rẫy thì đã thấy PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn đang mặc đồ phòng hộ, cạnh anh là PGS.TS. Trần Minh Trường – Phó Giám đốc bệnh viện, ngoài ra còn một người nữa mà tôi không quen. Cả 3 đi thẳng vào phòng cách ly Khoa Bệnh Nhiệt đới. Vài phút sau, họ trở ra và công bố bệnh nhân dương tính với nCoV (tên gọi của COVID-19 ở thời điểm đó) đầu tiên người Trung Quốc.

Bệnh nhân Li Ding ngày xuất viện
Bệnh nhân Li Ding ngày xuất viện

Khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy – cái khoa của một bệnh viện lớn nhất miền Nam đã không quá xa lạ với cánh phóng viên mảng y tế, nhưng có lẽ với những ai có mặt trong đêm hôm ấy, đó sẽ là một kỷ niệm phải nhớ mãi. Ai nấy nhìn nhau. Căng thẳng tràn ngập dù không khí Tết đã vàng rực trên nhành mai hay mấy câu đối đỏ đặt ở văn phòng khoa.

Thực ra, khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn công bố ca dương tính thì mọi thứ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã nóng lên từ trước đó 1 ngày. Đó là khi bệnh viện này bất ngờ tiếp nhận bệnh nhân Li Ding người Trung Quốc đến từ Vũ Hán có biểu hiện nhiễm virus được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới. “Là đêm 28 Tết, tôi đang ngồi ăn cơm tối cùng gia đình thì được BS. Thắng – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn gọi đến báo tin có ca nghi ngờ nhiễm COVID-19 và 1 trong 2 người bệnh đến từ Vũ Hán. Lúc đó, tôi ngờ ngợ sắp có chuyện chẳng lành”, BS. Nguyễn Ngọc Sang – một trong những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân kể.

Quyết tâm cứu sống người bệnh

Sau 1 đêm trằn trọc, 29 Tết, BS. Nguyễn Ngọc Sang vội vã đến bệnh viện từ khi trời chưa kịp sáng. Thay vội bộ đồ phòng hộ, anh cùng điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm vào khu cách ly để khám trực tiếp cho người bệnh. Tình trạng bệnh rất xấu. Bệnh nhân Li Ding lúc này đã bắt đầu sốt cao, ho nhiều, kết quả Xquang cho thấy phổi đã có nhiều đốm trắng tổn thương. Khó khăn ban đầu của BS. Sang và điều dưỡng Tâm không chỉ là những lo lắng bị nhiễm bệnh mà chính là phải thuyết phục bệnh nhân hợp tác. Bất đồng ngôn ngữ, lần đầu điều trị bệnh ở một đất nước xa lạ, lại bị cách ly nghiêm ngặt. Tất cả đã khiến bệnh nhân phản ứng dữ dội khi nhân viên y tế xin lấy dịch từ miệng hay lấy đàm phổi để xét nghiệm. Khó khăn lắm BS. Sang và đồng nghiệp mới có thể thuyết phục được người bệnh nhờ vào sự giúp sức của Li Zichao – người con trai của Li Ding.

Chiều 29 Tết, toàn bộ bệnh án đã được tổng hợp đầy đủ. “Li Ding, 65 tuổi, phổi bị tổn thương do nCoV. Bệnh nhân mắc tiểu đường, mắc bệnh lý tim mạch, ung thư phổi đã điều trị cắt u nên chỉ còn một bên phổi…”. Bệnh nhân hội đủ các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tử vong và nguy hiểm hơn là ngay sau đó, người bệnh vào cơn suy hô hấp nghiêm trọng. Trước tình huống khó, dưới sự chỉ đạo sâu sát từ Bộ Y tế, BSCKII. Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy vừa động viên tinh thần của 30 nhân viên y tế chuyên trách, mặt khác nêu quyết tâm phải cứu sống bằng mọi giá.

Bệnh nhân Li Ding chụp ảnh cùng cán bộ, nhân viên bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh nhân Li Ding chụp ảnh cùng cán bộ, nhân viên bệnh viện Chợ Rẫy

Đến gần tối thì bệnh nhân nguy kịch. Li Ding yếu dần, thở dốc. Nhiệt độ cơ thể lên đến hơn 40 độ C. Bệnh nhân không thể tự thở nên phải được trợ thở. “Phải mất hơn 48 giờ đồng hồ căng thẳng vừa chăm sóc điều trị vừa động viên, cơn nguy kịch của bệnh nhân Li Ding mới tạm qua đi. Với chúng tôi, đó là những thời khắc căng thẳng không thể nào quên”, ThS.BS. Võ Ngọc Anh Thơ – Phó khoa Bệnh Nhiệt đới nói.

Khó khăn tạm thời qua đi nhưng những ngày sau đó, bệnh nhân vẫn còn mệt. Kết quả Xquang phổi vẫn cho thấy tình trạng tổn thương khá nghiêm trọng. Tải lượng nCoV vẫn còn. “Virus này suy yếu trong nhiệt độ cao. Hay ta đón ánh sáng mặt trời và mở cửa thông thoáng”. Ý kiến được các bác sĩ nêu lên rồi thống nhất thực hiện. Nhưng làm gì thì cũng cần bệnh nhân phải đồng thuận. Các bác sĩ Anh Thơ, Ngọc Sang, Văn Thuận, điều dưỡng Minh Tâm, Trần Thị Hải và những “chiến sĩ” khác lại thay nhau mặc trang phục phòng hộ vào tận phòng bệnh hướng dẫn bệnh nhân ra bậu cửa hứng nắng, hướng dẫn bệnh nhân súc miệng sát khuẩn, tập thở, tập đi… Những việc làm này không những khiến bệnh nhân hồi phục rất mau mà còn khiến ông thay đổi thái độ. Nụ cười và những tiếng cảm ơn đã xuất hiện. Cuộc chiến cam go dần thu được những chiến công khi con trai của Li Ding, sau đó đến ông lần lượt hết sốt và âm tính.

Chiến đấu suốt ngày đêm và kéo dài hơn 3 tuần lễ, thế nhưng, để nói về quá trình điều trị, cả BSCKII. Nguyễn Tri Thức – Giám đốc bệnh viện, TS. Lê Quốc Hùng – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới cho đến ThS. Võ Ngọc Anh Thơ, BS. Nguyễn Ngọc Sang, BS. Nguyễn Văn Thuận… hay các điều dưỡng Minh Tâm, Trần Thị Hải… đều cho rằng đây là những việc rất đỗi thường nhật của cuộc đời làm trong ngành y tế. Rằng khó khăn trong trận chiến này là khó khăn chung của toàn hệ thống chính trị. Rằng việc của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cùng các bệnh viện có bệnh nhân nhiễm COVID-19 khác đã làm không chỉ là mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc mà đó còn là sứ mệnh bảo vệ niềm tin cho ngành y trong lòng nhân dân.

Sự chuyên nghiệp trong khám chữa bệnh, sự ân cần của các bạn trong khâu chăm sóc đã dành cho chúng tôi, chúng tôi ghi nhớ từ tận đáy lòng, đặc biệt là vị bác sĩ đã cho cha tôi uống thuốc thêm 10 ngày khi ông ấy không còn nằm viện. Hành động quan tâm và chăm sóc tử tế ấy khiến chúng tôi rất cảm động.

Xin cảm ơn các bạn rất nhiều vì những bữa ăn ngon và trái cây mà gia đình tôi được nhận suốt thời gian nằm viện!

Cảm ơn, cảm ơn Việt Nam, cảm ơn Chính phủ Việt Nam!

Từ phản ứng khi bị cách ly đến lá thư cảm tạ

Khỏe mạnh sau 3 ngày rời bệnh viện, ngoài những lời cảm ơn trong buổi xuất viện, bệnh nhân Li Ding đã nhờ con trai mình soạn một bức thư. Bức thư không chỉ cảm ơn các bác sĩ đã tận tâm với mình mà đó còn là lời cảm ơn đến Chính phủ. Xin được phép trích một đoạn thư thay cho lời kết của bài viết:

Cha tôi đặc biệt đã giao cho tôi trọng trách rằng: Hãy cảm ơn Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam – những người đã dang tay giúp đỡ khi chúng ta gặp nạn. Các bác sĩ và y tá đã chữa trị cho chúng ta bằng tất cả sức mạnh và sau cùng đã giúp chúng ta khỏi bệnh.

Chúng tôi cảm nhận được chính lòng tử tế của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn hét lên từ tận đáy lòng mình rằng: Cảm ơn Việt Nam! Cảm ơn tất cả những y bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã chăm sóc tận tình. Và chúng tôi cũng thực sự cảm thấy rất tiếc khi việc chúng tôi đến đây đã gây phiền phức cho mọi người. Xin được cúi đầu. Rất xin lỗi!