Virus Corona có thể ủ bệnh đến 24 ngày?
Theo một nghiên cứu mới, các chuyên gia Trung Quốc không loại trừ khả năng virus corona “siêu lây lan”, với thời gian ủ bệnh cá biệt lên đến 24 ngày.
Nghiên cứu mới do nhà dịch tễ học nổi tiếng Trung Quốc Chung Nam Sơn, người phát hiện ra virus SARS năm 2003, dẫn dắt. Nghiên cứu dựa vào bệnh án của 1.099 bệnh nhân tại 552 bệnh viện trên toàn Trung Quốc, theo Beijing News.
Phát hiện về thời gian ủ bệnh, cá biệt lên đến 24 ngày ở một bệnh nhân, đi ngược lại kết luận trước đó của giới chuyên gia rằng thời gian ủ bệnh kéo dài từ 1 đến 14 ngày, trung bình 5,2 ngày.
Theo nghiên cứu mới, được công bố trên nền tảng medRxiv hôm 9/2, thời gian ủ bệnh của các ca nhiễm virus corona chủng mới là từ 0 đến 24 ngày, trung bình 3 ngày. Phát hiện này có thể khiến giới hữu trách phải suy nghĩ lại về thời gian cách ly đối với các trường hợp nghi ngờ, hiện là 2 tuần.
Tuy nhiên, medRxiv lưu ý rằng đây là phiên bản xem trước của nghiên cứu, chưa trải qua bình duyệt (peer-review) và không nên áp dụng để hướng dẫn thực hành lâm sàng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số lượng đáng kể bệnh nhân không có triệu chứng sốt hay biểu hiện bất thường qua thăm khám hình ảnh lần đầu. Theo đó, chỉ 43,8% bệnh nhân có triệu chứng sốt ở lần khám đầu và 87,9% bệnh nhân phát sốt sau khi nhập viện.
Do đó, nghiên cứu cảnh báo nếu việc xác định ca cần theo dõi dựa trên triệu chứng sốt, thì các bác sĩ có thể bỏ sót các ca dương tính trong thực tế. Cũng theo nghiên cứu, các triệu chứng phổ biến ở người bệnh là sốt (87,9%) và ho (67,7%), trong khi tiêu chảy (3,7%) và nôn mửa (5%) hiếm gặp.
Nghiên cứu cũng chỉ ra không phải tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng viêm phổi. Gần 24% trong số các ca nhẹ và hơn 5% các ca nặng cho kết quả chụp phổi bình thường.
Các chuyên gia Trung Quốc cũng không loại trừ khả năng “siêu lây lan” của virus, hiện đã lây cho hơn 40.000 người trên toàn cầu, cũng như củng cố đánh giá về việc lây từ người sang người.
Theo kết quả nghiên cứu, chỉ khoảng 1% bệnh nhân có tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã, và hơn 3/4 trong số họ là cư dân Vũ Hán hoặc từng có tiếp xúc với người Vũ Hán. Do đó, các chuyên gia cho rằng các buổi tụ tập gia đình hoặc tiếp xúc với người không có biểu hiện bệnh làm tăng tỷ lệ lây nhiễm.
Nghiên cứu cũng phát hiện virus có trong phân của 6,5% số bệnh nhân, cũng như xuất hiện ở dạ dày, nước miếng và nước tiểu của một số bệnh nhân. Kết quả này cung cấp thêm bằng chứng để các nhà khoa học xác định con đường lây nhiễm của chủng virus.
Ông Chung Nam Sơn được công nhận rộng rãi là người góp phần lớn vào việc giúp khống chế dịch SARS tại Trung Quốc năm 2003. Hiện ông cũng là nhà khoa học hàng đầu trong đội ngũ cố vấn chống dịch virus corona chủng mới.
Theo: Zing.vn